watch sexy videos at nza-vids!
Hocsinh9x.sextgem.com
Wap truyện sex
02:17-21/05/24
TRANG CHỦ

ĐỌC TRUYỆN SEX

CƠ HỘI CỦA CHÚA

[ Truyen sex ]

Author:
Post by:hocsinh9x.sextgem.com


Chương 9 :

Hôm Thuỷ đi xa, tôi biết. Tôi còn biết chuyến bay của Aeroflot sẽ cất cánh vào khoảng hai giờ chiều. Tôi cũng biết số người ra tiễn Thuỷ ngần nào là bạn, ngần nào là người thân. Tôi nằm một mình không hút thuốc, không uống rượu. Cả người nhiều đờ đẫn. Có một mảng vôi lở ở trên trần lập loè hiện hình quái dị. Tôi lấy làm tiếc là tôi vẫn ở Hà Nội. Nằm bâng quơ một lúc lâu, tôi lấy làm may là tôi không bỏ đi xa. Hai tháng trước tôi vào Huế, chơi lang thang. Tạp chí Sông Hương cho tôi một cái giải nho nhỏ, truyện ngắn hay trong tháng. Tôi đã đến Huế một lần, thuở vời vợi năm cuối sinh viên. Cũng chẳng nhớ nhiều vì nhập nhoạng ở chưa hết một ngày. Ang áng thấy sông Hương là hiền và con gái Huế là dịu dàng. Nói vậy để khỏi phụ thơ phú tiểu thuyết chứ hôm ấy tôi uống nhiều, từ sáng đến tối chỉ gặp duy nhất hai phụ nữ, một bà già bán cơm hến và bà kia còn già hơn bán bún bò giò heo. Tôi đứng cửa ga lưỡng lự hỏi thăm đường. Tôi không quen ai ở Huế, trong túi chỉ bơ vơ có cái địa chỉ toà soạn của tạp chí nọ. Lúc tôi lên tầu, sân ga Hà Nội có mưa rào. Lúc tôi xuống tầu, Huế ảm đạm trong cái mưa nổi tiếng. Tôi ở Huế một tuần và Huế mưa đủ bẩy ngày. Tôi ích kỷ như bao kẻ lãng du cưỡi ngựa xem hoa, tôi thấy mưa Huế là đẹp. Anh bạn nhà thơ mới quen ngồi đối ẩm trầm ngâm lắc lắc đầu. Chúng tôi mồi bằng cật dê và uống nguyên một chai Martel. Tôi cạn chén nhắc lại, nếu Huế không mưa Huế sẽ tầm thường như bất cứ một thị xã lẻ nào. Anh bạn nhà thơ khoát khoát tay không hiểu phủ nhận hay đồng ý. Tôi muốn ngày mai đi lăng Minh Mạng. Anh bạn góp ý đấy là lăng ở xa nhất thường thường người ta hay đi vào ngày cuối. Tôi không thích giống các đoàn du khách, trong ba hoặc bốn lăng đáng thăm, tôi sẽ lần lượt theo chiều dọc của lịch sử. Anh bạn nhà thơ chiều tôi gật đầu. Những người biết làm thơ hiền và lành nhất trên cái quả đất mà. "Mấy giờ thì Hoàng phải về khách sạn". Tôi nói là đêm đầu tiên ở xứ lạ bao giờ tôi cũng overnight ở ngoài đường. Anh bạn nhà thơ rủ đến nhà một người bạn thơ, ở Huế trời ẩm nên đông người làm thơ. Anh bạn cười. Thật hạnh phúc khi được uống rượu với những người thông minh mà không độc ác. Ơn Chúa, chúng tôi mới quen nhau lúc buổi chiều. Tôi ở khách sạn số 5 Lê Lợi. Một tổ hợp dịch vụ với giá bình bình. Ðợt này đi, Nhã đưa tôi nhiều tiền. Tôi ngần ngừ cho xếp đô xanh vào túi ngực. Nhã hỏi "đã đủ chưa", giang hồ vặt như thế là quá nhiều. Tôi không dám nhìn thẳng, tôi đã nhìn thấy vài sợi bạc trong mái tóc dầy của bạn. Nhã nói thêm "Không tiễn nhớ". Tôi ừ. Cái truyện ngắn tôi được giải lần này lấy bút danh là Phương Nhã. Cái truyện ngắn duy nhất Nhã thích. Khi toà soạn gửi báo biếu kèm một trăm ngàn nhuận bút, Nhã và tôi đi ăn chả cá. Con bé Phương Phương tôi không bế nổi nữa rồi và nó vẫn ngồi đằng trước xe. Tôi phải hơi ngước nhìn để cằm khỏi đụng vào đầu nó. Nhã đợi lấy bằng xong thì mua ô tô. Chả cá Lã Vọng tối thứ bẩy đông chật khách du lịch. Nhã không ăn mấy ngồi đọc lại truyện. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vẻ háo hức ở Nhã "Chính tay cậu đánh bản thảo cơ mà". Nhã tự đánh bản thảo trên Computer đời mới nhất, bốn tám sáu. Nhã bảo "Truyện này lạ lắm, cậu không làm nổi cái thứ hai đâu". Tôi cũng thấy thế, vài năm gần đây tôi hay chua chát nên làm gì cũng ngấm đôi phần cay đắng còn truyện này, theo như Nhã, nó dịu dàng và có hậu. Anh bạn nhà thơ đưa tôi qua nhà, một khu tập thể sẫm vào nền trời đen vì mất điện, chạy vội lên khoảng tầng ba chắc báo vợ đêm nay không về. Anh bạn nhà thơ hơn tôi chừng chục tuổi vẻ khắc khổ. Khi gõ cửa phòng tôi ở khách sạn rụt rè tự giới thiệu. Tôi thật mừng. Vừa nẫy tôi có gọi phôn cầu âu tới toà soạn. Tôi trân trọng mời anh vào và thật sự thấy cảm động. Truyện ngắn đầu tiên ở một tạp chí lạ. Tôi chả là cái gì cả. Anh nói là rất thích truyện đó và hình dung tôi khác. Tôi hỏi anh xem quanh đây có quán nào uống được không. Anh và tôi vào cái quán có vẻ nghèo. Rượu đế ngai ngái và đồ mồi thì thật dở. Tôi phải hơi cố vì gần đây tôi hay được uống rượu ngon. Uống chừng hết một tuần tôi rủ anh về khách sạn, uống ở quầy bar. Anh không quen ngồi ghế cao, tôi kêu kê một bàn ra ngoài sân. Chúng tôi uống ly, linh tinh Cognac lẫn Whisky và tôi thấy rượu ly ở Huế thật rẻ. Khoảng bẩy giờ chúng tôi thành bốn người, thêm hai thằng Tây tôi quen trên tầu khi nằm cùng khoang. Một là Pháp, một là Hà Lan đều kém tuổi tôi. Ðang trầm trầm uống tôi bỗng giật nảy người vì cái vỗ mạnh hai bên má liên tiếp nhận những cái hôn bạo. Hóa ra cả Giắc và Vanh đều thuê cùng khách sạn nhưng ở loại buồng tồi hơn tôi. Tôi lấy khăn ướt chùi kỹ má, có lẽ hai thằng này đã nốc tới vài lít. Lúc trên tầu có bốn cái giường, duy nhất tôi là Việt. Còn một nàng tóc hung hung đỏ quốc tịch Mỹ. Marry đi suốt vào Nha Trang vì đã đi Huế rồi. Tầu chạy chúng tôi bắt đầu làm quen, tôi nói cho oai là đi công tác, đi tổ chức một hội nghị Quốc tế to đùng về kỹ thuật ủ nấu rượu theo phương pháp truyền thống thuần Việt. Mọi người khi biết tuổi tôi đều kêu là trẻ. Marry chân thành khen tiếng Anh của tôi. Cô ta mặt tròn nhiều tàn nhang nghiên cứu dân tộc học và bập bẹ chút tiếng Việt. Cô ta cũng biết Hai Bà Trưng. Tôi hỏi trong lịch sử Mỹ có những phụ nữ vĩ đại nào không. Marry nghĩ một lúc và lắc đầu. Giắc quay sang tôi nói về Janeda. Tôi mở ba lô lấy chai rượu Hà Bắc tôi thửa từ nhà. Tôi mời, vì theo truyền thống của dân tộc tôi khi nói về các nữ anh hùng người ta thường uống mừng. Các bạn nước ngoài trân trọng tán thành và đồng thanh coi đó là tập tục đáng kính. Hóa ra Giắc và Vanh là hai con sâu rượu, tửu lượng không thua tôi một ly nào. Tôi giới thiệu anh bạn nhà thơ. Giắc nói, năm năm gần đây anh chỉ kính trọng hai loại người, thi sĩ và Bartender. Tôi diễn nôm cho bạn tôi hiểu, đó là người pha rượu ở các tiệm chuyên nghiệp. Bạn tôi bắt chặt tay Giắc nhờ tôi dịch hộ, khen ý kiến lỗi lạc. Giắc chạy đến quầy lấy thêm một chai Lúa Mới rút tiền trả trước. Vanh cao hứng đọc một bài thơ tiếng Hà Lan cổ rồi dịch sang tiếng Anh. Trong bài thơ có rượu có tình yêu. Ðột nhiên tôi nhớ Thủy. Tôi đi xa lần này em không biết. Trước lúc lên tàu tôi đi ngang qua ngõ nhà em. Cái ngõ nhỏ rất nhiều lần tôi đã đưa em về và là đầu tiên em cho phép tôi hôn ở chỗ khúc rẽ vắng người có tán cây si già mọc thấp. Bar rượu càng về tối càng đông khách. Tôi không muốn ồn ào nữa lấy cớ là phải đưa anh bạn về nhà, và tôi với nhà thơ đi uống tiếp. Ðã đến tăng ba phải uống cho tử tế. Tôi hỏi có quán nào sang trọng không. Nhà thơ của tôi cười, anh không biết. Tôi chưa đọc thơ anh nhưng biết chắc là anh nghèo. Chúng tôi mò mẫm quanh cửa Thượng Tứ rồi cũng vào một quán sáng choang. Quán có bàn ghế đẹp và thưa khách. Cô bé đứng sau quầy trạc ngoài hai mươi, khuôn mặt mỏng, kiểu mặt tôi không thích. Tôi hỏi đấy có phải tiêu biểu của gái Huế không. Anh bạn lắc đầu, nếu tôi muốn, chiều thứ bẩy đi bộ dọc sông Hương nhìn nữ sinh trung học tan trường. Những tà áo trắng đến nao lòng. Tôi cười và lẩm bẩm, áo em trắng quá nhìn không ra. Cảnh cổ điển, mà đã clacssic thì ở đâu cũng vậy. Một ông già tóc bạc bưng ly tới. Chai Martel cả chai tính đắt hơn Hà Nội chừng vài ba chục ngàn. Chúng tôi yên lặng uống. Nhiều khi uống với Thuỷ hai đứa tôi cũng yên lặng. Những lúc hạnh phúc nhất là Thuỷ để yên tay trong tay tôi và khe khẽ hát. Những hôm như thế không nhiều lắm. Những hôm như thế uống rất khó say. Tôi lang mang ngắm cái mũi hơi hếch của Thủy ở giữa chân mày phải, có một nốt ruồi đậm. Thuỷ cười vô cớ he hé hàm răng ngà ngà màu tetracylin. Những năm chiến tranh trẻ con không có loại kháng sinh nào khác. Tôi thì thầm
 "Anh yêu đôi hàm răng của em, nhất là mấy cái răng cửa". Thuỷ nhìn tôi đầy cảnh giác.
 "Lại bắt đầu giở trò đấy".
 “Anh thề trong hội hoạ mầu vàng là gam mầu sang trọng. Và đâu phải ngẫu nhiên mầu vàng là mầu riêng của hoàng gia cả Ðông lẫn Tây".
 Thuỷ cấu tay tôi, cấu li ti rất đau như ong đốt. Tôi vô tình cho tay ra ngoài cửa sổ. Mưa Huế về đêm nặng hạt hơn, nhàn nhạt lạnh chảy ngược vào trong ống tay áo. Hết chừng nửa chai chúng tôi đi ra mưa. Anh bạn nhà thơ đèo tôi bằng cái xe Phượng Hoàng xích chùng. Huế muộn đường phố càng trầm. Cả một đoạn dài hầu như không quán xá. Chúng tôi lại đi qua cầu mới. Ðến đầu đường Lê Lợi tôi vẫy cái xích lô đạp ngược. Chúng tôi cất cái xe Phượng Hoàng được gia cố quá nhiều những phụ tùng Sài Gòn vào chỗ gửi xe của khách sạn. Anh nhà thơ đập tay vào thành xích lô. Chiếc xe đỗ trước nhà có vườn rộng đường đất lép nhép ướt dẫn vào căn phòng ồn ào đông người. Mọi người reo lên khi thấy nhà thơ và ngỡ ngàng lịch sự nhìn tôi. Chiếu rượu đang dở bữa. Hai đĩa nhôm to đầy nem lụi và nhiều mực khô. Quanh tường treo lộn xộn tranh sơn dầu và thuốc nước, đa phần vẽ hoa. Anh bạn nhà thơ giới thiệu tôi, tôi trân trọng uống một ly đầy rượu thuốc của một anh áng chừng chủ nhà. Chiếu rượu tiếp tục, mọi người đang bàn chuyện thơ. Thơ miền Trung mang một tầm thế lớn trong nền thơ dân tộc. Ðấy là nghe nói vậy, chứ thơ tôi không rành. Một đôi nam nữ còn trẻ hăng say đọc Nguyễn Tất Nhiên hay Phạm Thiên Thư, tôi không rõ. Trong các nhà thơ của miền Nam trước bẩy nhăm, có dạo tôi rất thích Nguyên Sa. Hồi chơi nhạc ở ban Sóng Đêm, thằng Bích kiếm đâu được tập thơ Bùi Giáng. Tôi đứng đọc dưới hiên vỉa đường Cô Giang, từ đó thấy cũng bớt nhiều ác cảm với những ai là thi sĩ. Tôi rút chai Martel dở ở phía trong áo khoác ra góp vui. Thiếu nữ tóc thề vừa đọc thơ vừa khẽ liếc tôi, con gái Huế đa tình đã được ghi vào sách. Tôi vừa ăn nem vừa nghe một anh trạc ngoài bốn mươi nói giọng Bắc bình luận giải thưởng của Hội nhà văn năm ngoái. Tạp chí Sông Hương mấy số vừa rồi đăng nhiều bài phê bình văn học bị coi là có vấn đề. Người Huế hiền, nhưng khi bàn học thuật, cũng khá là ác khẩu. Anh chủ nhà bê ra thêm bình rượu. Mọi người ngất ngư uống và bắt đầu đọc thơ mới sáng tác. Tiếng Việt có nhạc điệu cao, nhiều nhà ngôn ngữ nổi tiếng bảo vậy, nên dân tộc ta ưa làm thơ. Chuông đồng hồ đánh một hay hai tiếng gì đấy. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy trong khách sạn, chịu không thể nhớ mình về bằng cách nào. Ðầu ê ẩm, người bị cắt khúc từng mảng. Chắc là có ngã. Trang Tử bảo: "Người hòa với rượu khi ngã không đau". Tôi vào toillete, cái gương hình bầu dục có khuôn mặt nhợt nhạt phía dưới cổ áo là vệt nôn đậm chưa khô hẳn. Tôi đánh răng lau mặt kỹ và tắm. Người ơn ớn lại thấy nôn nao. Tôi lảo đảo ra bàn uống hết chai nước khoáng. Ðây là kinh nghiệm của riêng tôi đúc kết qua nhiều lần quá chén. Bị lại rượu và buồn nôn cứ cho dạ dày ngập nước. Tôi để lại cái bô nhựa đỏ đựng bã trà ra trước mặt bình tĩnh chờ. Tới rồi. Tôi thắt người ra mà nôn, nước mắt nước mũi ứa nhoè nhoẹt. Một nhịp, hai nhịp cơ hoành bẻ gập xương sống. Bây giờ mới thật ra hết. Tôi ngồi thẳng lưng thở dốc, thấy ân hận chuyện rượu chè quá. Từ mai nhất quyết không đụng đến ly cốc nữa. Trong cái đám nước sùng sũng nhờ nhờ mấy giọt quánh mầu nâu. Ðúng là ra mật xanh mật tím. Các cụ nhà mình thật giỏi. Tôi tỉnh hẳn. Lại xúc miệng cẩn thận rồi mềm mại thả lỏng chân tay nằm dềnh dang cả giường. Tôi nằm dài xem báo đến chừng mười một rưỡi trưa thì kêu xích lô tìm quán bún bò giò heo. Tôi mê phở Hà Nội, yêu bún Huế và thích hủ tiếu Sài Gòn. Hồi còn trong Nam, mấy anh em chơi nhạc khuya về, kéo nhau ra đường Paster ăn phở. Phở Sài Gòn lạ miệng cũng thật ngon. Miếng gầu miếng nạm bản to thái hơi dầy. Có thêm giá và vài nhánh mùi tầu. Tôi thòm thèm làm trọn một bát nhưng bắt tối nào cũng ăn liên miên thì chịu. Phở bò Hà Nội nước trong hơn nên đỡ ngấy. Hàng phở ngon cũng chỉ còn một vài. Giữa phố Bát Ðàn và đầu phố Lý Quốc Sư. Nắng hiếm hoi ửng nhạt qua rèm cửa. Một tuần ở Huế có cái may là ít gặp nắng. Nhiều người kêu ca mưa Huế, nhưng tôi thích. Cũng có thể do tâm trạng lúc này.
 Tôi xuống ga Hà Nội và đi thẳng đến nhà Nhã. Hôm ở Huế tôi có phôn ra. Nhã nói là tự nhiên thấy sốt ruột. Tôi bảo không có chuyện gì đâu, Huế hiếu khách và thật đẹp. Rồi đùa thêm, ở Huế chưa có bia ôm. Nhã kêu, qua phôn nghe thấy nhiều tiếng ồn. Tôi giải thích là mình đang ở trong một vũ trường xinh xắn và giá thật rẻ. Nhã bảo là hãy cẩn thận với Sông Hương. Dòng sông thơ mộng đã nhấn chìm biết bao sĩ phu Bắc Hà. Tôi cười. Thứ nhất tôi không phải là kẻ sĩ. Thứ hai là tôi đã được mời đi nghe hát ca Huế ở trên thuyền rồng. Không giống người ta đồn.
 "Thế nó giống cái gì".
 "Nó giống quảng cáo".
 "Không được uống rượu à.”
 "Mình say thiếu điều lộn cổ.”
 "Uống vừa thôi nhớ".
 "Chủ nhật tới mình ra, thấy nhớ bé Phương Phương lắm".
 "Chú Hoàng ơi, con đây".
 "Chú chào con. Muốn cái gì nào".
 "Chú đợi con, con ị xong đã".
 "Cậu không đi Sài Gòn nữa à".
 "Chán rồi"
 "Cậu đừng về Hà Nội vội".
 "Sao vậy".
 "Cứ nghe mình đi".
 "Chuyện của Thuỷ à"
 "Hai hôm trước Thuỷ nó có qua nhà mình, Thuỷ đến vì biết cậu ở Huế".
 "Bẩy tháng rồi chúng mình không gặp nhau".
 “Hoàng này, Thuỷ sắp đi Tiệp, có lẽ tuần sau. Mọi giấy tờ xong hết rồi chỉ chờ ngày có vé".
 Tôi cúp máy. Nói cho thật đúng là tôi không đủ sức cầm phôn nữa. Em không tha thứ cho tôi. Cái điều bất hạnh tôi linh cảm đã tới. Tôi có lỗi và lạy Chúa, sao Người thật nặng nề với con. Tôi đi dọc theo đường Lê Lợi. Anh yêu em mà, bình tĩnh đi em. Chẳng nhẽ anh phải chịu một hình phạt kinh khủng thế sao. Không có em, anh còn biết làm gì. Từ Bưu điện đến nhà thờ Phú Cam có đường ngắn hơn kia. Loanh quanh rất lâu dưới trời mưa tôi không tìm thấy nhà thờ. Mà tôi cũng cóc cần nhà thờ. Tôi chẳng tin ai cả, tôi chẳng tin vào một cái gì cả. Tất cả chỉ lừa dối. Càng dịu dàng càng nhân ái lại càng lừa dối. Càng xinh xắn lại càng lừa dối. Ðâu có phải lỗi tại mình tôi. Ðập vỡ, cứ đập vỡ đi. Sao em ác độc vậy. Mình điên rồi. Mình phải đi xích lô thôi. Sẽ đi qua một nhà thuốc. Tôi lập cập trèo lên một cái xích lô. Mình mua một vỉ hay hai vỉ seduxel. Thực ra seduxel là thuốc an thần. Mình có anh bạn mất ngủ tối nào cũng uống bốn viên, tôi đưa cả nắm tiền lẻ vò nhàu trong túi quần ẩm. Ðứa bé gái đang mải chơi bài rút đại mấy vỉ đưa tôi. Bình tĩnh đi. Tôi mở khóa phòng lơ mơ leo cả giầy lên giường. Tôi nhớ ra chưa trả tiền xích lô. Tôi chạy xuống nhảy ba bậc một suýt đâm phải hai nàng nhân viên đang khanh khách cười đi ngược cầu thang. Ông xích lô vẫn chờ. Tôi rút tờ tiền chẵn đưa ông, máy móc đợi trả lại. Ông xích lô loay hoay không có tiền lẻ. Tôi bỗng thét lên giọng căm giận vô cớ. "Tôi cho ông đấy". Ông xích lô vội vã đạp, đến ngã tư còn ngoái cổ lại. Tôi lên phòng mở một chai bia trong tủ lạnh. Tôi thong thả uống từng viên seduxel. Ðếm đúng viên thứ năm là ngừng. Tôi chậm chạp đặt mình xuống giường. Chân tay thư giãn hết cỡ. Bỗng tôi lẩm nhẩm. Tôi cầu gọi Ðức Mẹ. Hình như tôi cũng khóc. Tôi lơ mơ nhớ những khuôn mặt quen, lạ. Ơn Chúa, tôi đã ngủ.
 Sáng hôm sau tôi dậy rất muộn, người tỉnh táo. Cửa sổ gió lùa thổi tung, máy điều hòa vẫn chạy. Ngoài trời tiếp tục mưa. Mọi vật ảm đạm nhưng rõ nét. Tôi tháo giầy ra khỏi chân đi tìm cái gì uống. Hết sạch rượu nhưng bia thì còn nhiều. Tôi cũng cảm thấy đói. Thấy thèm một cái gì đó có nước và nóng. Bát mỳ vằn thắn chẳng hạn. Tôi ngồi thừ một lúc lâu. Trên mặt bàn, dưới cái gạt tàn, một bức thư tay của ai gửi. Anh bạn nhà thơ rủ tôi đi nhậu. Anh hẹn sáu rưỡi tối qua đón. Từ giờ cho đến lúc ấy thời gian còn rất dài. Theo kinh nghiệm những lúc như thế này không nên uống rượu một mình. Tôi tắm nước nóng thật kỹ, rồi đi qua ga hỏi mua vé tàu về Hà Nội. Vé nằm phải ba ngày nữa mới có. Bây giờ ở đâu với tôi cũng vậy. Về sớm mà làm gì. Tôi mua vé chuyến bảy giờ. Tôi mông lung quay về khách sạn. Khi ngang qua mấy quán quen cắm đầu đi thẳng. Tôi ở Huế ít ngày, nhưng đến quán nào cũng kêu Johnny Walker cả chai nên được thuộc mặt. Tôi không cầm ô, mưa phùn bám đầy tóc và môi tôi ngòn ngọt.
 Tôi xuống ga Hà Nội có cơn mưa rào bất chợt. Cụ bà nằm cùng buồng nhờ tôi xách hộ hai can nước mắm. Suốt đêm qua tôi mất ngủ vì cái mùi nặng. Bà cụ hơn sáu mươi đi thăm con trai làm ở sở Hoả xa Ðà Nẵng. Tầu đỗ. Một ông già thắt cà vạt đỏ tóc khó tả màu vì thuốc nhuộm phai, giơ tay vẫy bà già "Mình ơi, tôi đây". Bà cụ nở nụ cười móm tình tứ, rồi giới thiệu tôi với phu quân. Tôi nhẹ người khi ông quý tộc già nói merci và bảo tôi chuyển hai can nước mắm cho một thằng nhỏ chừng mười ba, mười bốn. Thằng bé nhìn hai can nước mắm bằng đôi mắt mang hình viên đạn. Hai ông bà già quen dùng bữa ở tiệm, còn đây là thức ăn khô trong vòng vài tháng của nó. Tôi đi xe ôm, ướt lướt thướt bấm chuông nhà Nhã. Bạn của tôi không có nhà. Bà U đi kiếm bộ pyjama tôi vẫn để ở đây vì có những lúc dăm bẩy ngày tôi trông nhà khi Nhã đi vắng. Tôi tắm xong, bà U nấu cho bát cháo nhiều thịt gà. Tôi uống hai lon bia tiger, tiện tay mở tủ thấy chai Gordon lưỡng lự uống thêm mấy ly. Tôi bật ti vi, Giám đốc Ngân hàng mặt xấu giai đang giải thích về lãi xuất tiết kiệm, lại tắt. Lơ mơ, tôi với tờ báo Lao động xem chuyên mục thể thao. Có một bài cằn nhằn về giải bóng đá quốc gia ký tên Tường Vi, anh chàng này tôi thích vì cái giọng gay gắt gần văng tục. Lật mặt kia tôi xem mục tản mạn cuối tuần, tâm trạng của tác giả áy náy mặc cảm với lương tâm khi uống hết lon bia thứ hai thì trông thấy một bà già ăn mày hao hao mẹ mình. Tôi vứt tờ báo xuống nền nhà. Tôi vẫn không hiểu sao người ta lại gọi báo chí là lá cải. Trời vẫn day dứt mưa và rượu trong chai trắng đáy. Tôi thấy bơ vơ và ngần ngừ tôi thiêm thiếp trên đi văng. Bừng mắt dậy thấy Nhã ngồi đối diện, mặc bộ váy ở nhà có hoa tím rất to.
 “Trông cậu mệt lắm”.
 “Nhã về từ lúc nào”.
 “Lâu rồi, cậu ngủ ngon phát khiếp”.
 "Mình tu hết cả chai rượu".
 "Chiều nay mình mua thêm. Cậu thử uống Remy Martin xem, rượu mới quảng cáo đấy".
 "Ở Huế rượu ly rẻ, nhưng nói chung dân Huế không nghiện”.
 "Ở Huế cũng mưa à".
 "Ừ, nhiều lắm".
 Tôi đi vào toillette rửa mặt. Nhã pha cho tôi một cốc cam vắt. Tôi đùa.
 "Tái ngộ là phải uống rượu".
 “Còn nửa chai Gordon cậu uống hết rồi. Cứ nghĩ vài tuần nữa cậu mới ra, hôm nọ có chai giôn đen, cầm đến biếu thầy Phi".
 "Chết rồi, quên không mua cái gì cho bé Phương".
 "Cậu chết, biệt tăm mấy hôm không phôn ra, hai mẹ con lo phát khóc".
 "Mấy giờ đi đón bé Phương".
 "Chìa khóa xe kia kìa, chừng nửa tiếng nữa".
 Tôi im lặng, cố nén không hỏi chuyện về Thuỷ. Nhã nhìn tôi.
 "Lúc nãy cậu mơ nói".
 "Có văng tục à".
 "Ác khẩu thế, cậu gọi tên mình".
 Mặt Nhã sẫm buồn. Hình như chỉ có một lần tôi thấy Nhã khóc. Tôi không muốn bạn tôi xót xa nhưng không hiểu sao không thể đùa nổi. Tôi thở dài. "Mình chỉ còn vài ba người mà bây giờ đặc biệt là cậu".
 Cũng có một lần uống rượu nhiều Nhã nói trên đời này Nhã còn duy nhất hai người, tôi và bé Phương. Cách đây chừng sáu bẩy tháng cho đến trước hôm tôi đi Huế, có một Phó tiến sĩ không trẻ lắm nhưng rất giầu con một vị cựu Bộ trưởng theo đuổi Nhã. Tôi gặp vài ba lần, có nhiều cảm tình. Anh ta nhẹ nhàng ẩn giấu một vẻ quý phái thông minh. Tên anh ta là Sáng. Lần đầu gặp nhau ở nhà Nhã anh đầy cởi mở. Có lẽ chuyện tôi là bạn thân của Nhã, anh đã biết. Anh cư xử đúng mực, lịch lãm. Hôm ấy tôi ra sức ba hoa cho mọi người vui. Tôi thuộc tính Nhã, rất khó chịu với bất kỳ ai không được mời mà đến. Hôm sau Nhã kể.
 "Mình quen anh ta ở một salon thượng lưu. Bảo hoàn toàn không biết tý gì trước thì cũng không phải. Nhiều người vun vào. Kỳ quái, đa phần là những đứa vay tiền mình. Anh ta là giai tân theo nghĩa hành chính. Mải học, mải làm cũng được tiếng là ngoan nên chưa kịp lấy vợ. Xuất sắc trên nhiều phương diện, có cái tệ là biết làm thơ".
 Nhã có phản ứng cực đoan với thi ca. Ngày xưa, với Du, thằng bạn thi sĩ của tôi, Nhã ghét. Nhã nhắc đi nhắc lại không biết bao lần là quá may tôi chỉ viết được văn xuôi. Hồi năm thứ hai, cô bạn thân duy nhất của Nhã quay sang làm thơ. Có một chùm tham gia cuộc thi "Ngày xanh học đường" do một báo thuộc Trung ương Ðoàn tổ chức. Vô phúc, đấy là theo lời Nhã, cô bạn trúng giải. Mấy nhà phê bình xúm vào vuốt ve cô bé thi sĩ. Nữ sinh viên ngoại ngữ năm thứ hai bập bềnh lãng đãng trôi từ "Câu lạc bộ thơ trẻ" sang "Tọa đàm các nhà thơ nữ". Tôi chỉ biết ba năm sau khi vừa xong tốt nghiệp, tôi đèo Nhã sang thăm cô bạn ở Châu Quỳ. Cặp mắt long lanh ngày xưa bây giờ mất thần ngơ ngác nhìn tôi với Nhã cười vô cớ. Nhã đứng lặng, bất lực văng một câu rất tục. Còn tôi về đặt mua liên tiếp ba tháng cái tờ báo khởi xướng cuộc thi ấy, dùng đi toa lét. Tôi không vay tiền Nhã, nhưng cũng vun vào chuyện anh Sáng. Lần thứ hai tôi gặp anh khi theo Nhã vào Sài Gòn dự lễ khai trương một triển lãm kinh tế của Nhật. Một nửa các gian quầy dùng quảng cáo các dây chuyền tái chế sản phẩm nông nghiệp, phần nửa còn lại khoe những thiết bị dân dụng. Ðây gần như lần đầu tiên Nhật Bản, thiên đường kinh tế trong mơ mà người Việt Nam quá quen với những Sony, National, sau nhiều năm đứt đoạn chính thức được phép đưa hàng hoá không phải rò rỉ tủ lạnh, xe máy, Ti vi qua những đội tầu viễn dương buôn lậu. Anh Sáng là một trong đồng chủ tịch của Ban tổ chức. Anh nói tiếng Nhật nhuần nhuyễn và mê thơ Haiku. Anh thổ lộ thêm điều ấy vì Nhã nửa nạc nửa mỡ tiết lộ tôi viết văn. Anh Sáng hỏi tôi hay đăng ở báo nào, tôi nói là tôi mới bắt đầu viết, đang dự định một bộ trường thiên tiểu thuyết dài ba nghìn trang và hiện nay tôi đã xong cái đề cương dài ba trang. Anh Sáng cụng ly với tôi, cố giấu vẻ giễu cợt. Tôi cám ơn và thấy trân trọng. Tôi biết, một công tử đại gia dòng dõi cao môn lệnh tộc như anh, thường thường rất hay gặp những thằng nói phét. Hôm ấy chúng tôi ngồi uống rượu thân mật ở Rex, anh mời riêng những người thân, vì hôm trước Nhã nhất quyết từ chối không dự bữa tiệc khai trương tại khách sạn Continnentan. Ngoài ba chúng tôi còn có hai người Nhật. Cả hai thương gia đều chưa đến bốn mươi có vẻ sắc sảo. Họ ăn bằng đũa, lịch sự nói với tôi bằng tiếng Anh. Khi chạm cốc, cố ý để ly dưới thấp tỏ ý khiêm nhường. Anh Sáng giải thích, người Nhật ăn uống cẩn thận, họ là cha đẻ ra kiểu oskawa chỉ ăn gạo lứt muối mè. Anh Sáng hỏi tôi có biết Basho không tôi thưa có rồi cung kính nghe anh cất giọng trầm ấm đọc bài con ếch nhẩy vào ao nước bằng nguyên bản tiếng Nhật. Hai thương gia đồng hương của đại thi hào phục lăn và tôi cũng lăn ra vì phục. Chúng tôi ở Sài Gòn thêm ba ngày và đã ba tháng tôi chưa gặp Thuỷ. Nhiều hôm tôi lảng vảng ở đầu ngõ không dám vào sâu vì cái ngõ nhỏ chật người đã quá quen mặt tôi. Tôi chặn đường em lúc ấy đã bốn rưỡi chiều. Tôi đứng bên số lẻ của đường Bà Triệu hút thuốc cứ nửa điếu là lại dụi. Mấy tay mua lậu xe đạp ăn cắp thay nhau nhìn tôi. Thuỷ đi thực tập rất chăm, đều đặn hai buổi sáng chiều. Ngân hàng công thương quận Hai Bà tan ra toàn đàn bà. Thuỷ vẫn đi xe đạp, song song cùng một nàng mặc váy bó lộ những đường nét trung niên. Tôi theo sau, loáng thoáng ngược gió nghe tiếng xưng hô cô cháu. Ðến gần hồ Halais thì Thuỷ có một mình. Trong tình yêu hay có nhiều nốt láy. Lần đầu tiên tôi đưa Thuỷ về cũng chính ở đoạn này.
 "Anh chào em".
 Thuỷ quay sang, một vẻ dửng dưng, không ngạc nhiên.
 "Em tan muộn vậy".
 Thuỷ mím môi rồi nói từng câu.
 "Chắc anh muốn nói chuyện".
 "Vâng"
 Im lặng dài. Chúng tôi đi rất chậm và cây hai bên đường đầy gió.
 "Thế này nhé. Tôi sẽ ngồi với anh hết lần này, nếu cần đến tận đêm. Có điều gì muốn nói với tôi thì cứ nói hết. Rồi từ mai anh bỏ cái kiểu loanh quanh trước ngõ hay trước cơ quan tôi đi. Tôi không muốn mọi người dị nghị và tôi cũng mỏi mệt rồi".
 Chúng tôi ngồi ở quán cà phê có vườn trông ra hồ, một đoạn phố còn sót nhiều Villa kiểu Pháp. Bà chủ quán gầy sắc, ánh mắt nhìn đanh, tôi kêu một lon băm ba và ly cà phê đá. Bao nhiêu lần tôi với em ngồi cùng nhau hay uống kiểu này. Trong túi tôi còn một gói dở Marlboro. Tôi nhìn em và em nhìn mung lung. Khuôn mặt của em những tháng gần đây gầy, da xạm, cặp mắt hơi nhíu hằn vài nét nhăn trên vầng trán xanh khắc khổ. Bây giờ nhớ lại lần gặp cuối đấy, tôi vẫn thấy buồn. Một kiểu buồn với những nét cào nhức buốt. Tôi đã làm gì để em đau đớn và trở nên dửng dưng. Tôi hút thuốc miệng đắng nhả những vòng khói vô hồn lễnh loãng. Tôi nhấp ngụm bia quen tay khuấy hộ em ly cà phê. Ở trong sâu xa tôi biết mọi chuyện cơ hồ khó cứu vãn. Tôi bắt đầu nói và nói nhiều, cố dẫn giải như hồi đầu mới yêu em. Tôi tránh không nhắc về cái tát, không nói về Trần Bình. Tôi nói, tính tôi em đã biết, dở nhiều hay ít. Nếu em còn yêu tôi mong em bỏ qua những chuyện linh tinh, tôi sẽ dần dần sửa chữa. Lưỡng lự, tôi cũng xin lỗi mặc dù không thật lòng. Tôi cũng ghen tuông như bất cứ người con trai nào yêu lần đầu.
 "Anh nói hết chưa"
 Thuỷ nhìn đồng hồ và cau mặt khi tôi lấy tay che đồng hồ.
 "Anh yêu em".
 "Anh nói hết chưa".
 "Vâng, anh đã nói hết".
 "Thế thì đến lúc phải về rồi."
 "Em không nghe anh nói một chút gì sao".
 Thuỷ đột nhiên thở dài, hình như là cay đắng.
 "Quá nhiều lần nghe anh nói rồi".
 "Tha lỗi cho anh, một lần nữa, anh xin em"
 "Thực ra anh có lỗi gì đâu".
 "Em đừng nói thế".
 "Ngày xưa, có nhiều lúc, cứ luôn nghĩ mình là người hạnh phúc nhất".
 "Lúc nào anh cũng yêu em".
 "Thôi"
 "Cái gì cơ",
 "Ðã đến lúc phải đi về".
 Thuỷ dứng lên. Tôi cầm hai tay của em.
 "Anh bỏ ra"
 "Tha lỗi cho anh".
 "Anh bỏ tay ra".
 "Thuỷ".
 "Anh đừng làm tôi khó chịu".
 Có cái gì hung bạo chợt gầm lên trong sâu tôi, vô thức tôi giơ cánh tay. Thuỷ đứng thẳng trừng trừng nhìn tôi. Thật là hết. Tự nhiên tôi thấy bải hoải. Thuỷ kêu thanh toán tiền. Tôi ngồi yên vô hồn nhìn Thuỷ mở khoá xe, đạp từng vòng từng vòng, khuất nẻo vào ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng. Tôi khóc, gục mặt uống cái bàn mây ngai ngái mùi tàn thuốc ẩm mà nức nở. Không biết bao lâu, có tiếng bà chủ the thé vọng vào gọi phích nước sôi trong nhà. Tôi đi về hướng hồ, mơ màng thấy chân mình dẫm xuống nước. Mặt hồ đen thăm thẳm một màu tuyệt vọng. Tất cả đều là vô nghĩa. Tôi giật mình vì một cái cấu bạo ngang sườn. Cô nàng mặt phấn với mi mắt xanh lét nhẽo nhợt mời mọc. Tôi đang sống và tôi chưa biết phải làm gì. Tôi quay về nhà với mẹ. Những tuần tiếp đó tôi lang thang bao nhiêu quán rượu. Nhiều buổi chiều khi đã mềm mềm môi tôi phi xe lên cầu Thăng Long. Từ trên cái lan can cao tít của cây cầu tôi nhìn dòng sông đỏ cuồn cuộn chảy. Tôi bình tâm hơn, lẩm nhẩm kêu tên Ðức Mẹ. Ðột ngột có cơn gió sắc như bất hạnh thổi tung tà áo tôi đã phanh dở. Lạy Chúa, Người thật công bằng. Tôi có tội, không phải nghiệp chướng từ kiếp trước mà ngay ở kiếp này tôi đã làm nhiều bậy bạ. Tôi kêu van Chúa xin Người hãy thương tôi. Hiển nhiên không oan trái gì khi em bỏ tôi. Tôi cũng đã dửng dưng tàn nhẫn với nhiều người. Sao tôi lại mất em. Không có em. Suốt năm năm liền tôi đã quen có em. Gió trên cao quần quật thổi. Một cái xít-đờ-ca của cảnh sát cơ động đi tuần. Viên Ðại uý có hàm râu quai nón nhìn tôi nghi ngờ. Tôi nhìn thật đậm vào lòng sông. Tôi thấy nhỏ nhoi và tuân theo ý Chúa. Tôi là một tín đồ cơ đốc giáo và giáo lý không cho phép tội tự huỷ hoại. Tôi hét lên cho giọng mình lạc vào gió. Không phải hét mà là gào gọi. Lạy Chúa, xin Người đừng bỏ con. Tôi thả người nằm xuống mặt cầu. Ðỡ thấy hoang mang, đỡ thấy hư vô. Tôi lại trở về sở hữu sự mệt mỏi và bơ vơ.
 Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, mọi người tổ chức pícníc mừng thành công của triển lãm. Nhã gõ cửa phòng rủ tôi đi Lái Thiêu. Anh Sáng đang chờ dưới nhà tự tay lái cái Toyota Crona. Tôi nói với Nhã không phải tôi mệt, nhưng tôi không muốn đi. Bạn tôi chỉ muốn tôi khuây khỏa. Ơn lớn của bạn, tôi chỉ biết để trong tâm. Mấy hôm nay tôi và Nhã đều nhớ con bé Phương. Tôi theo Nhã đi xa lần này là lần đầu, bé Phương phải đi học. Nhã đi rồi và tôi úp mặt vào cuốn Tân Ước. Cuốn này tôi cầm của thư viện Nhà Chung, ở nhà tôi cũng có vài bản Tân Ước, nhưng bản này do chính Ðức Hồng Y chấp bút. Nhiều hôm không uống rượu, tôi vào toà Tổng trình với cha Mai xin người cho phép tôi đọc lại mấy đầu sách của cha Teilhar de Chardin. Cha Mai là quản thủ phòng đọc của chủng viện có dáng dấp một nhà giả kim thuật thời trung cổ. Cha là vị linh mục có tầm tri thức bách khoa rộng đến kinh ngạc. Thông thạo khoảng tám ngoại ngữ, kể cả từ ngữ Sancrit. Cha là bộ đại từ điển về lịch sử truyền giáo vào đất Việt. Người thương tôi nhiều, có lẽ vì loay hoay thần học ở tôi. Cũng như nhiều kẻ đọc tạp nham, sự trong trắng của đức tin của tôi bị vấy sạm bởi những lập luận logique lạnh lùng của chữ nghĩa. Jean Guiton, một triết gia rất già người Pháp nói "Có một sự đối lập thê thảm giữa đức tin và lý trí. Bằng cách làm cho lý trí tin là điều khá khó khăn nhưng nhất thiết phải làm cho đức tin trở nên có lý". Cha Mai cười hiền với tôi khi tôi trích dẫn. Ở mức độ nào đó, tôi là người đọc sách. Có những thông điệp của Thiên Chúa tôi đòi thực chứng. Ông trẻ của tôi, cụ linh mục Ðức khuyên tôi nên có cái nhìn trực giác, hao hao Thiền tông. Tôi làm sao mà đạt tới cảnh giới đó. Tôi không thể đủ bản lĩnh và nội lực tham chiếu những bí nhiệm của thần học. Tôi biết, những vấn nạn mà tôi đang vấp không chỉ vò xé riêng mình tôi. Nhưng mọi người vượt qua được mà sao tôi tụt lại. Tôi ngồi một mình trong căn phòng lớn có đậm mùi đặc biệt của sách cũ. Những cuốn sách của nhiều thứ tiếng gáy bọc da chữ màu vàng. Trên cao vút của bức tường đối diện là mẫu tượng Chúa Jésus chịu nạn. Tôi đăm đăm nhìn. Meirter Eckhart nói "Ðôi mắt của tôi nhìn Chúa là mắt của Chúa nhìn tôi". Tôi vĩnh viễn không còn cặp mắt xanh non nhìn đời nữa. Và như thế là tôi mất hết. Tôi cúi mặt vào trang sách thầm cầu nguyện. Chao ôi, một triết gia lý trí như Pascal cũng phải nói: "Ðức tin là món ân tặng của Chúa chứ không phải là món ân tặng của lý luận". Tôi chọn cuốn dễ đọc nhất, hành trình đến với Chúa của thánh Phan Xi Cô. Tôi không thấy hào hứng. Ðã có giai đoạn dài tôi từng bị như vậy, đọc sách cứ chuội ra. Cha Mai nói dạo này tôi không được khoẻ.
 "Thưa cha, tại sao người con yêu nhất lại chán ghét con".
 "Con nghĩ đến con nhiều quá không."
 "Con có tội ư. Không, ở đây không có sự công bằng".
 "Ðối với Thiên Chúa lòng nhân từ còn cao hơn công lý".
 "Con muốn giáp mặt với Chúa, con muốn thấy một thực thể"
 "Bình tĩnh nào con. Meister Eckhart diễn giải thế này. Anh có biết gì về Thượng Ðế không. Ngài không phải là như thế và nếu anh biết về ngài như là một cái gì, thì anh hoàn toàn dốt nát và dốt nát luôn đưa đến thô bạo. Vì trong các tạo vật cái dốt nát là thô bạo. Con không được hận thù kể cả khi con cùng quẫn trong bất hạnh".
 "Lạy Chúa, con mệt mỏi nhưng con xin Chúa cho con dịu dàng".
 "Ơn Chúa, con sẽ trở nên vậy".
 Tôi cố nuốt buồn vào trong thở dài.
 “Khi đối diện với bất hạnh, con người ta trở nên gần Chúa. Ở người công chính, nỗi bất hạnh càng lớn đức tin càng sâu sắc. Huyền học Cơ đốc nói, Mourir sur sa Croix, chết trên cây thánh giá của mình. Và chính Chúa Jésus cũng nói, phải chết mới được phục sinh".
 "Nhưng bây giờ con biết làm gì".
 "Hãy thành thực cầu nguyện, đừng có ngã lòng".
 "Con có còn gì nữa đâu".
 "Con còn tình yêu. Hãy yêu như con đã từng yêu. To love is to pray".
 Tôi khép cửa nhà nguyện, đi ra vườn hoa tìm cha Mai, tôi muốn hỏi ý kiến cha đôi điều thuần tuý học thuật. Từ xa, tôi thấy Cha đang quỳ dưới chân tượng Thánh cả Phê rô, đức quan thầy của người. Tôi mông lung.
 Sau hồi đi Sài Gòn ra được vài tuần, anh Sáng mời Nhã đến nhà riêng ăn cơm. Nhã nhờ tôi đèo đi. Tôi từ chối, danh không chính thì ngôn trắc trở lắm. Nhã nói kệ và tư cách pháp nhân của Nhã đủ đảm bảo cho tôi. Nhà riêng anh Sáng mới xây thật đẹp, cũng như Nhã anh ở một mình. Anh có mời hai người bạn đã có vợ. Nhìn mọi người tròn đôi, anh Sáng vui vẻ. "Chủ nhân bao giờ cũng là số lẻ. Chủ nhân phải hơi cô đơn, bữa ăn mới ngon miệng". Bạn anh Sáng đều là những chuyên gia trong lĩnh vực hẹp của họ. Một hình như về tài chính, một hình như về sinh học. Suy cho cùng tôi không có một thứ chuyên môn nào hết. Tôi tốt nghiệp trường đại học có vẻ danh tiếng và cái chuyên ngành của tôi lâu lắm không được sử dụng. Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Tôi bạc nhược không neo dính vào bất cứ chỗ nào. Hai chị vợ trông đều trẻ đảm đang đi ra đi vào bếp phụ với một bà giúp việc cho anh Sáng. "Hoàng uống đi". Bữa ăn thân mật, mọi người không khách sáo. Anh Sáng rót tràn li cho tôi rượu Sakê. Tôi không thích cái rượu nổi tiếng này của Nhật. Có lẽ tôi nghiện ngập những đồ uống đậm. Cũng giống như những bữa ăn có chế độ đạm cao, sau khi điểm qua về thời sự chính trị mọi người chuyển từ tranh luận nghệ thuật sang đề tài tôn giáo. Anh Phó tiến sĩ Tài chính có vẻ hăng say. Anh nhảy một cú ngoạn mục từ kinh điển Phật giáo Đại thừa sang Kinh Dịch. Ðó là một trước tác kì lạ đỉnh cao của tư duy người xưa. Ðem biện chứng của Hégel so với biện chứng của Dịch như đom đóm so với mặt trời. Anh hùng hồn "Hơn năm nay, tôi đắm chìm trong Dịch. Từ đó tôi có một cách nhìn mới về lưu thông tiền tệ. Dịch quả là vĩ đại". Chị vợ ngồi cạnh tế nhị tiếp cho nhà Dịch học một miếng cá quả. Cá quả thuộc âm rất lợi cho hùng biện. Anh Sáng tham gia tranh luận bằng kiến thức chắc chắn về triết học Phương Ðông. Anh kể về cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa anh và Giáo sư Nguyễn. Anh không tán thành lý thuyết tập mờ trên phương diện logic thuần tuý. Anh có nhãn quan của một người thực chứng và muốn anh thay đổi nhận thức bắt buộc phải có những kiểm nghiệm cụ thể. "Triết học Phương Ðông với sự siêu hình và uyển chuyển của nó, đẻ ra đầy rẫy những nguỵ tín. Những người Phương Tây ưu tú nhất khi tiếp cận những vấn đề huyền học, họ luôn phân loại và sắp xếp thành hệ thống. Từ đó dễ dàng để biết kẻ trí với người ngu những thằng điên và những thiên tài. Ngược lại, sự mập mờ của Phương Ðông tạo ra hiện tượng, chầu rìa quanh đỉnh cao học thuật nhan nhản là tà ma ngoại đạo". Anh Sáng sắc sảo và hùng biện. Nhã bảo, anh là một trong vài số ít trí thức của các trường đại học chính qui được đào tạo tại Pháp, trung tâm văn hoá Châu Âu. Những năm gần đây anh Sáng công tác nhiều ở Nhật và Trung Quốc. Một mẫu người văn hoá kết hợp tinh hoa Ðông Tây luôn là khao khát muôn đời của Unesco. Anh Sáng với chai Sakê rót đều, rồi từ tốn nâng cốc chạm riêng với tôi, cái li của anh khiêm nhường để dưới. Tôi tự chửi thầm mình. Ở tôi có một thói xấu cố sửa không nổi, đã uống rượu là quên hết phép tắc lễ nghi. Anh Sáng tiếp tục "Tuy thế khi nghiên cứu những vấn đề nhận thức luận, nền văn minh Phương Ðông đã đưa ra một phương pháp có thể hãnh diện với Phương Tây đó là Thiền". Anh Sáng, bằng những thông tin chuẩn, giới thiệu sơ lược lịch sử Thiền tông. Anh đưa ra những lập luận tối ưu của người Phương Tây nhằm khám phá nhanh nhất những bí mật Thiền. Tôi uống rượu và giữ ý tọng vào mồm mình miếng cá nướng to vừa phải. Phó tiến sĩ Sinh học có hai năm rưỡi Ðông Du, tham gia đề tài này bằng những kinh nghiệm của chính bản thân. Thiền tiếng Nhật gọi là Zen. Một đạo pháp huyền nhiệm chỉ thành tựu ở những người có nghị lực. Sau ba năm hành Thiền, vừa thực nghiệm ngồi một hai tiếng ở tư thế hoa sen vừa tham khảo những tài liệu tiếng Nhật, Phó tiến sĩ Sinh học đã được mở tất cả các luân xa và đặc biệt gần đây phía trên dạ dầy ở phía dưới cơ hoành có cảm giác đang thấy nở một bông sen. Nhã nhìn tôi khuyến khích. Tôi liên miên uống đến mức mọi người phát chán không rót thêm. Hồi tôi học Dịch với người thầy đã mất, tôi rủ thêm thằng Du. Ba thầy trò ngồi xếp bằng tròn uống rượu sắn làng Vân trên cái gác xép mà thầy mới cơi. Khi giảng đến câu "Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ", thầy tôi đùa "nghĩa là kẻ hiền giả uống liên miên trôi chảy ngày đêm không ngừng". Tôi là học trò trực truyền của thầy, với lối dạy phản khoa học ấy làm sao tôi dám tranh luận với người lạ. Anh Sáng quay sang tôi.
 "Nhã khen Hoàng giỏi về tôn giáo lắm".
 "Thưa anh, nhà em theo đạo Thiên Chúa”.
 "Mình đang muốn hỏi Hoàng vài điều thắc mắc ở Kinh Thánh"
 "Em sợ em không trả lời được vì có khi thắc mắc của anh thì cũng chính là của em".
 "Thế tại sao cậu lại có Ðức tin".
 "Em nói là băn khoăn giống anh vì ngày xưa em đọc Kinh Thánh còn bây giờ em hết băn khoăn rồi, đơn giản là em không đọc nữa"
 "Tôi không hiểu ý cậu".
 "Có lẽ em say rồi".
 Tôi uống nhiều không hẳn vì tôi buồn, mà vì tôi uống được Johnny Walker. Tôi cũng muốn tranh luận để anh Sáng vừa lòng nhưng sợ mình không biết cách. Anh Sáng được tiếp xúc nhiều với những người phương Tây, mà theo Suzuki nhận xét, người phương Tây (khái niệm bao trùm cả Mỹ) sống mũi thẳng cặp mắt sâu tinh anh dưới vầng trán rộng, có phải thế chăng mà họ rất giỏi về phân tích biện biệt. Tôi không có năng khiếu và cũng không được học hành theo kiểu đó, tôi thầm mong Sáng thông cảm. Riêng tôi thấy bữa rượu cũng vui. Những người đàn bà thì đảm đang, còn những người đàn ông thì thông minh. Tất cả những người thông minh đều yêu thích học thuật. Tôi cũng đã được rất nhiều những người thông minh dậy dỗ và đa phần trong số đó tôi thấy họ chỉ thông minh thôi. Tôi đã thấy những người có tiếng là giỏi Dịch mà không phân biệt nổi hai quẻ Càn Khôn. Nhiều người từng đọc vô số khảo cứu về Kinh Thánh nhưng Cựu Ước, Tân Ước chính bản chưa liếc lấy một dòng. Tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức ở họ chỉ là sự phô trương. Họ đầy đặn bằng cấp, có lòng tốt và nhiệt tâm theo kiểu của họ. Tri thức của họ rất sắc sảo nhưng tri thức là tri thức. Nếu tri thức là giải thoát thì hà cớ gì nhị tổ Huệ Khả phải chặt tay. Tôn giáo là thông dự chứ không phải để bàn thuyết.
 Trời tạnh hẳn mưa, tôi dắt cái xe Dream II đi đến trường đón con bé Phương. Hai bên vỉa hè đông đầy phụ huynh học sinh. Trường Trưng Vương với luật bất thành văn là dành cho những nhà khá giả. Bọn trẻ con tan ra, phần đông mũm mĩm quần áo nhiều mầu sắc. Tôi đỗ xe đằng sau một cái NISSAN biển trắng. Người đàn ông trong xe còn quá trẻ, mồm ngậm tẩu dáng doanh nhân. Người Hà Nội đang giầu. Thực ra có nhiều tiền không phải là xấu. Bạn tôi đã giầu và em tôi đang tập tọng làm giầu. Tôi đã thấy nhiều người có tiền, hoặc tốt, hoặc không tốt. Tôi đọc đâu đó thấy rằng, đồng tiền không có khuôn mặt riêng, nó mang bộ mặt của người cầm nó. Cũng có lý. Ðồng tiền ở tay người đại lượng thì khoáng đạt, ở đứa tiểu nhân thì đê tiện. Nhã bảo: "Người nhiều tiền thường phải tàn bạo". Tôi không hiểu rõ lắm. Tài tôi hèn không có khả năng và điều kiện làm ra nhiều tiền. Con bé Phương lũn cũn đi đầu cầm biển lớp 4B. Lớp nó xếp hàng đôi, không hiểu sao chỉ toàn đứa béo. Con bé Phương mặc bộ thể thao tím sẫm cổ quàng khăn đỏ, càng lớn trông nó càng giống thầy Lâm. Năm ngoái trước khi đi Pháp, thầy Lâm qua tôi. Thầy sang đấy bảo vệ luận án Doctor theo lời mời đích danh của một Ðại học đường có tiếng ở Pari. Thầy Lâm đi với vợ chưa cưới và sẽ làm lễ thành hôn tại Pháp. Vợ của thầy là con một Giáo sư đầu ngành y, kém thầy mười chín tuổi. Chúng tôi ngồi tay ba ở khách sạn Dân Chủ, tôi chúi mặt vào lá số tử vi thầy vừa đưa. Phụ nữ khi sắp có hôn nhân thường say mê bói toán. Tôi hay uống rượu với chân gà của một quán có cô chủ còn trẻ. Bỗng một tối vật nài đòi tôi xem số. Tôi biết chắc thằng bạn nào đùa nhả định từ chối, nhưng thấy vẻ quá thành tâm của cô chủ nên không dám. "Anh cố xem về sau em có nhiều tiền không". Tôi bảo, nếu bán chân gà với giá này đương nhiên hậu vận sẽ dồi dào tài lộc. Cô chủ quán lườm, rằm tháng sau cô lên xe hoa về nhà chồng. Tôi thấy hôn phu rồi, lái xe "công nông" bắp chân cùng cục. Tối thứ bẩy nào cũng qua, tỏ tình bằng cách véo mông cô chủ một cái, lặng lẽ ngồi vào góc làm một hơi hết cốc vại rượu thuốc. Tôi nói đùa "Anh ấy trầm tính nhưng là người dịu dàng. Biết uống rượu chút ít, nhưng làm được bội tiền. Nếu có gia đình chỉ biết vợ với con". Cô chủ quán tươi mặt ngấm ngầm cắt vào đĩa của tôi cái mề ngỗng. Vợ chưa cưới thầy Lâm nhìn tôi dò xét, tôi lẩm bẩm tính can chi. Nữ số có Phá quân thủ mệnh thì chẳng đơn giản. Cô bé hai mươi tuổi với cặp kính 4,5 diop. Mũi to và cái mồm mênh mông được viền bằng cặp môi dày. Vì thầy Lâm môn tự nhận là tín đồ của chủ nghĩa duy mỹ nên tôi nghi ngờ tính chất của cuộc hôn nhân. Ái nữ của giáo sư có tên họ mang huyết thống hoàng tộc ăn miếng thỏ quay, nhai tí ty rồi hình như ngậm, chắc lúc nhỏ được bố mẹ chiều. Cô nàng nũng nịu quay sang hỏi thầy Lâm, nước dãi nhỏ giọt xuống khăn bàn trắng muốt, thầy Lâm cau có nhăn mặt. Tôi uống cạn suất đúp Whiski và bắt đầu thấy thương thầy.
 "Anh Hoàng, lá số của em thế nào".
 "Thưa, lần đầu được thấy một lá số đẹp đến vậy".
 "Anh xem thật kỹ đường chồng con hộ em".
 "Dạ, cung Phu ứng đúng thầy đây ạ. Ðẹp trai, hiển đạt, tài lộc dồi dào".
 "Ðâu, đâu, những sao nào".
 "Dạ. Ân quang này, Thiên quý này. Thưa, cả một chùm lấp lánh".
 Thầy Lâm nhìn tôi, cố nén thở dài. Thầy trò biết nhau mười mấy năm tính tôi thế nào thầy đã thuộc.
 "Cách đây chừng hai tuần mình có gặp Nhã".
 "Dạ".
 Tôi muốn né đề tài thầy nêu. Thầy đã có một hôn nhân phẳng phiu, chuẩn mực. Tôi mong thầy nhớ ra và đừng tự làm gợn. Thầy Lâm vẫn thản nhiên.
 "Cô ấy đi cùng với một người mà mình biết."
 "Dạ"
 "Hoàng này, thực sự cậu tin có số không".
 "Sáng chủ nhật em vẫn đi lễ đều".
 "Nhưng hình như giới thuyết tôn giáo của cậu không đề cập đến số mệnh".
 "Thưa vâng. Ðức Chúa Jésus không phải là một nhà tiên tri. Và khi Người nói đến cái quá xa xôi và siêu hình của tương lai, em chỉ hiểu đơn giản đấy là những khải thị"
 Thầy Lâm chợt gõ mạnh ngón tay trỏ xuống bàn. Một thói quen nhiều năm của giảng đường.
 "Ðừng ăn kiểu ấy nữa".
 Cô vợ sắp cưới mồm méo xệch bắt đầu sụt sịt. Tôi uống rượu như thằng phàm phu, cắm mặt vào ly. Lúc tôi ngẩng lên, chỉ thấy mình thầy Lâm. Tôi rủ.
 "Em với thầy đi chỗ khác uống đi".
 "Tôi bất hạnh quá".
 "Ðến mùng mấy thì thầy bay".
 "Leo lên lưng cọp không tụt xuống được nữa. Ðời tôi là một chuỗi sai lầm"
 Bữa rượu cuối cùng với người thầy tôi có nhiều cảm tình là vậy. Cái gì đấy chán nản buồn bã theo tôi suốt mấy tuần kế tiếp. Tôi đến đón Thủy chỗ thực tập mới. Sau lần cãi nhau có cái tát, mọi chuyện trở nên gắng gượng. Thuỷ lầm lì và tôi mệt mỏi.
 "Em cứ muốn tình trạng này kéo dài mãi sao".
 "Anh Hoàng, em cứ thấy mình ngất ngư trên mây".
 "Em cứ thư giãn đi"
 "Hay chúng mình tạm không gặp nhau"
 “Em giận anh đến thế kia à”.
 "Em thấy người khó chịu lắm".
 "Ðược rồi tuỳ em. Nhưng em nhớ rằng chuyện chúng ta không phải một sớm một chiều".
 Thủy gục đầu vào vai tôi, đột nhiên tôi thấy cáu.
 "Nghĩa là anh có lỗi".
 "Không, anh chẳng có lỗi gì. Em chỉ thấy anh không yêu em và hình như em cũng hết yêu anh".
 "Em muốn chia tay".
 "Em chưa nói vậy, nhưng cho em xin một khoảng thời gian".
 "Anh cho em đấy, hai tháng có đủ không".
 Khi nóng giận người ta thường mất khôn. Tôi đã nhiều lần chứng kiến hoặc mình hoặc người khác cuồng loạn trong cơn lũ tức bực. Tình yêu của chúng tôi đã từng bị tử thương bởi một hành vi nông nổi và ngu xuẩn của chính tôi, xin đừng lặp lại. Thuỷ đi vào ngõ nhà mình không chào tôi và bước vội. Ðáng nhẽ tôi phải giữ tay em lại hôn lên môi em như bao lần tôi đã làm như vậy khi đưa em về. Sự tự ái của người đàn ông khác xa sự tự trọng. Nhưng hai cái có mối quan hệ âm bản nào đấy. Nếu cô ta không muốn gặp mình nữa thì thôi. Tình yêu cao cả thật nhưng nhân cách còn cao hơn. Chiều nào tôi cũng đi tới quán lê la với bạn bè. Tôi không biết em còn rất bé và đáng ra tôi phải rất dịu dàng. Tôi buông xuôi theo sự ích kỷ của tôi. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại một buổi tối nữa. Tôi uống đã kha khá và tôi thấy vô lý là hai tháng chúng tôi không gặp nhau. Tôi loạng choạng dựng xe, Thuỷ ngồi trên giường xem chương trình thời sự Quốc tế ở Tivi. Tôi chào bố mẹ Thuỷ, hai cụ đáp lễ xã giao. Mấy đứa em đang học nhìn tôi e dè. Thế là mọi người phong phanh biết chuyện. Tôi chẳng giữ ý, chăm chăm nhìn em. Thuỷ ngước nhìn tôi, cặp mắt lấp lánh có nét mừng. Tôi xin phép cho hai đứa, Thủy không nói gì vào buồng trong thay đồ. Mẹ Thuỷ hỏi mấy giờ về, Thuỷ nói cũng có thể về hơi muộn. Từ đầu phố Hàng Bột tôi đi xe chầm chậm qua Lăng Bác lòng vòng tới đường Thanh Niên. Ngày xưa những lúc vu vơ đi lang thang chúng tôi vẫn thường như vậy. Suốt một đoạn im lặng. Tôi vòng tay ra sau cầm tay Thuỷ, em để yên.
 "Chắc em còn giận anh".
 "Ðừng nói chuyện ấy nữa"
 "Anh yêu em"
 Một tốp đua xe lạng lách qua chúng tôi. Bọn trẻ từng mười sáu, mười bẩy ăn mặc kỳ dị. Cả con trai lẫn con gái đều quấn khăn phu la chéo quanh đầu, nhang nhác trông như cướp bể. Tôi nín thở hồi hộp nhìn theo, phía trước là ngã tư Hoàng Diệu thường có cảnh sát cơ động. Gần ba chục cái xe rồ ga cắn đuôi nhau vào cua. Từ sau gốc cây, hai viên cảnh sát giao thông đã nấp nhảy ra vụt túi bụi. Đều hụt cả, bọn trẻ cười hô hố.
 “Chúng mình bàn chuyện cưới đi".
 “Anh lại uống rượu rồi phải không".
 "Có chút chút".
 "Anh vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả".
 "Em muốn anh phải như thế nào".
 Thuỷ im lặng, bàn tay em vẫn để hờ trong tay tôi.
 "Hay em muốn anh phải giống như Trần Bình"
 Thuỷ nhấc tay ra khỏi tôi. Ðám đua xe rầm rầm lượn lại. Ngu xuẩn tôi buột thêm.
 "Trần Bình tuyệt vời, có đúng không".
 Tôi bỗng thấy không khí xung quanh khô đặc. Dù đã uống nhiều tôi cũng biết mình việt vị. Tôi hay đùa cay độc. Nhưng đùa sau lưng kẻ khác là điều tôi vẫn không thích. Khi người ta đang hậm hực, người ta thường đổi tính. Hai đứa chúng tôi miên man đi quanh Hồ Tây trong căng thẳng. Chợt Thuỷ khàn khàn khô khốc nói.
 "Chúng mình không còn yêu nhau".
 “Anh không biết em như thế nào, còn anh, bao giờ cũng yêu em”.
 "Anh ngộ nhận".
 "Ngộ nhận được coi là một thuật ngữ sở hữu riêng của chủ nghĩa hiện sinh".
 "Anh nghiêm túc đi".
 "Nhiều người nghiêm túc hơn anh rồi".
 Thuỷ chợt hét lên “Anh chán lắm”. Thuỷ nhoài xuống khỏi yên xe, tôi vội vàng đạp phanh gấp. Dù tốc độ có chậm nhưng cái kiểu nhảy xuống đột ngột ấy cũng làm Thuỷ loạng choạng suýt ngã. “Ðứng lại”. Tôi gằn giọng. Thuỷ vẫn không quay đầu bước thấp bước cao trên vỉa hè nham nhở. Tôi buông tay lái xe, với theo. Cái xe đổ nghe rõ tiếng đen xi nhan vỡ. “Ðứng lại". Chúng tôi đối đầu đứng giữa vỉa hè. Thuỷ lầm lỳ nhìn tôi. Cho đến bây giờ tôi đã hiểu được nhiều điều và điều cuối cùng tôi hiểu là cái nhìn lầm lỳ ấy.
 Con bé Phương Phương vẫn đòi ngồi trước. Mái tóc dầy của nó, thơm mùi Lux, cọ ngang cằm tôi. Mới ngày nào tôi còn bế nó một tay. Nó nói đủ chuyện linh tinh nhưng không thấy đòi quà. Nó cũng không hỏi tại sao tôi đi xa lâu, chắc Nhã dặn nó, cũng có thể không phải. Nó biết tôi buồn và nó thương tôi. Khi gặp chuyện đau đớn tuyệt nhiên không nên gặp những người tự nhận là chín chắn là trưởng thành. Cái quan tâm sắc sảo của họ đầy thô bạo chủ quan. May mắn là tôi biết uống rượu. Cử bôi tiêu sầu, sầu hoàn sầu. Thà vậy còn hơn là không biết cầm chén. Nhưng mệt mỏi đến mức không uống nổi rượu thì tôi hay xem bọn trẻ con chúng nó đùa. Bé Phương Phương vĩnh viễn là tuyệt vời. Tôi tỳ cằm xuống vai con bé cố không nghẹn ngào, cứ thế chẳng để ý vượt qua ngã tư đang đèn đỏ. Nhã tự làm cơm chiều có con cá quả chừng cân rưỡi luộc bia. Tôi mở cánh tủ lạnh đầy nặng vì xếp nhiều rượu. Nhã bảo là uống Henessy. Bà U dọn xong mâm bát xin phép đi xuống bếp. Tôi thuộc tính U rồi nên cũng không nài.
 "Con có ăn lòng cá không".
 Tôi ướm, vì thấy vẻ chăm chăm của con bé Phương. Nó đang tròn đôi mắt nhìn bát tôi.
 "Cá quả ngon nhất là bộ lòng".
 "Con ghê".
 "Ừ, thế con ăn lòng gà đi vậy".
 "Cậu kệ nó". Nhã nhấp một ngụm rượu. "Cậu làm thế nó lại quen cái thói ăn phải đút".
 Con bé Phương hơi phụng phịu, có tôi nó làm nũng tí xíu. Nhã chủ trương trẻ con phải tự lập từ bé. Tôi không dám góp ý, mọi người bảo tôi hay dựa dẫm. Mà có lẽ đúng, cho đến giờ đã ba tư ba nhăm tuổi đầu, tôi cũng chẳng định nổi mình là cái giống gì. Tôi uống hết ly đúp và thèm thuốc. Cái cửa sổ có rèm hồng nhạt, Nhã bịt đi lắp vào đấy điều hoà National một cục.
 "Trước hôm vào Huế cậu có qua cơ quan không".
 "Có".
 Tôi nghỉ đều đặn không ăn lương chừng nửa năm thì đi làm lại. Khánh và Thu Trang cầm thông báo của đích danh giám đốc gửi cho tôi. Có vẻ một cơ chế kinh tế mới đang thành hình. Văn phòng chỗ tôi, sau một hồi tách nhập lăn lóc qua khoảng ba bốn nơi chủ quản đã chuyển sang thành công ty. Mộng Hoa làm kế toán trưởng tất tả đi đứng cho đúng kiểu một cán bộ năng động trong thời kỳ kinh tế thị trường mở. Mọi người bắt buộc phải đeo thẻ ghi tên và chức danh, tuyệt đối không được hút thuốc trong giờ. Giờ hành chính nghiêm túc được bắt đầu 7h30. Hai cậu bảo vệ, vốn là bộ đội đặc công giải ngũ, vừa được tuyển đứng nghiêm trong bộ đồng phục là thẳng ly ghi tên những kẻ hay đến muộn. Tôi cùng hai nữ cán bộ nữa vào trình giám đốc. Hai chị này có lý do chính đáng, vì hơn bốn mươi tuổi mới sinh con đầu lòng. Tôi cung kính đưa một xấp y bạ. Sếp gạt đi nghiêm mặt phủ dụ. Sếp của tôi có bằng Phó tiến sĩ tại chức, đây được coi là tiêu chuẩn mới để đánh giá cán bộ. Hôm đại hội toàn công ty nhằm mục đích giới thiệu giám đốc, tôi đến từ sớm vì Mộng Hoa dặn sẽ phát tiền ăn trưa vào đầu buổi họp. Sếp ra mắt trong bộ com lê sẫm, nói ngọng nhưng khá dễ nghe. Cứ mỗi đoạn ngắt mọi người lại vỗ tay rầm rầm. Lúc sớm phát phong bì, ai nấy đều ngấm ngầm mở, hoá ra sếp thoáng thật. Lương trong vòng ba tháng tăng lên gấp bốn lần. Bản tin của ngành cho biết, theo những dự báo kinh tế chiến lược thì ngành tôi được coi là mũi nhọn mà công ty tôi lại là mũi nhọn của ngành. Phòng làm việc được lắp tứ tung điều hoà (air-conditionner) và nhà vệ sinh (toillette) thơm đậm mùi nước hoa Pháp. Một số cán bộ nữ cao tuổi chậm chồng khi đăng tên mình lên mục tìm bạn bốn phương có kèm tên cơ quan đã liên miên nhận được thư làm quen. Ðột nhiên, có tin sếp "băng". Toàn bộ nam phụ lão ấu của công ty bật nức nở, trước đấy hai hôm Giám đốc tuyên bố đến cuối quý sẽ có thưởng. Mọi người lũ lượt hàng đôi đến nhà thăm sếp, hoá ra sếp bị bắt khi đang đánh bài. Giám đốc của tôi không thua nhưng ông Giám đốc bạn ngồi cùng chiếu lại thua. Ông này đặt cái xe Toyota mười hai chỗ mà xí nghiệp ông ta vừa mua. Khi ra toà ông ta vừa khóc vừa khai sếp tôi chơi cờ bạc bịp. Mọi người ở cơ quan nửa tin nửa ngờ, nhưng ai cũng phải công nhận khi sếp ký tập công văn dầy sếp lật nhanh như tráo bài. Tôi thi thoảng có xem phim Hồng Kông thấy người đánh bạc thường tiêu không tiếc tiền, thảo nào sếp hay có thói quen thưởng hậu. Khoảng hai tuần ròng rã cơ quan xôn xao rồi mọi việc đâu lại vào đấy. Ðám phụ nữ tiếp tục kể bệnh mình và kể tội chồng. Ðám đàn ông vò đầu bứt tai vì sự lên xuống thất thường của đội AC Milan. Mộng Hoa vẫn là trưởng phòng trực tiếp của tôi. Tôi được phân công ngồi trực điện thoại, thẻ làm việc đề chức danh là Telephonist. Bản lĩnh của Mộng Hoa, nếu theo bảng phân loại của Kim Dung tiên sinh sẽ liệt nàng vào môn phái Nga My, môn phái này có nhiều nữ cao thủ chuyên sử dụng võ công âm nhu. Nội lực và hoả hầu của tôi đều kém, trúng phải "sát âm thủ" của Mộng Hoa nữ hiệp kể cũng không ân hận. Phòng điện thoại tổng đài rộng chừng năm mét vuông ngột ngạt tà khí, liên tục nhấp nháy những tín hiệu hai mầu xanh đỏ. Tôi không thể đứng dậy đi đâu vì thi thoảng lại có cú phôn xin được nối máy. Mười lăm ngày đầu tôi kiên nhẫn nhai kẹo cao su ngồi đọc Camus, suốt hai tuần cứ ngắc ngứ không hết nổi chương đầu Dịch hạch. Chuông reo, nhấc phôn nghe giọng nam còn đỡ sợ, sợ nhất là giọng nữ cao eo éo một ngữ điệu tra tấn. Tôi nhã nhặn thưa gửi chỉ được vài ngày, sau bẳn tính, nói năng cộc lốc. Có một nàng ở công ty Thương mại quận là bạn của Mộng Hoa, chắc cũng vừa được lên sếp cứ chừng mười lăm phút lại gọi. Nhiều lúc tôi ngấm ngầm bật speaker nghe trộm. Ðủ thứ chuyện. Nàng có chồng rồi và đang định mai mối cho sếp tôi một anh bốn mươi tám tuổi ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Anh này bỏ vợ, có một con riêng. Rất tiếc gần đây thằng bé có vài triệu chứng dở hơi. Sếp tôi áng chừng đã đi chơi vài ba lần với trung niên Rômêô, nhí nhảnh tường thuật cho bạn câu chuyện hẹn hò bằng văn phong thuyết minh của phim “Người giàu cũng khóc”. Chị nàng kia vun vào với nhiệt tình khá khả nghi. Sếp tôi hớn hở "Anh ấy đa cảm nhưng hơi bướng. Anh ấy lo lắng chuyện thằng bé con và mình. Anh ấy chưa thể hiểu được sự cao thượng ở phụ nữ. Hôm rồi, anh ấy đọc tặng mình một bài lục bát đã gửi báo Người Hà Nội. Ồ, tất nhiên là chưa đăng. A lô nghe mình đọc nhớ. Mưa tháng sáu lây rây. Gió ơi... Công 124 văn tôi xem rồi. Vâng, đồng chí cứ chờ máy". Lúc đầu tôi cũng ngớ ra vì nhịp điệu trữ tình bị phá vỡ bởi tác phong hành chính, nhưng về sau cũng hiểu. Ðúng lúc ấy có người đưa trình sếp ký vài cái chứng từ vớ vẩn. Tôi thò đầu ra khỏi buồng trực ngó sếp. Ở góc phòng, vẻ quan trọng, sếp ngắm nghía cái hoá đơn màu đỏ mà cô bé văn thư trịnh trọng đưa. Chừng phút rưỡi sau bài thơ tình lục bát lại du dương cất lên. Phía đầu dây bên kia, đôi khi cũng xẩy ra chuyện tương tự. Tôi nhả kẹo cao su lôi chai rượu giấu ở gầm bàn vừa nhấm nháp vừa tính kế. Sang sáng đầu tuần của một ngày giữa tháng, tôi đi muộn và khi đi ngang qua chỗ sếp tôi gật đầu chào "Alô”. Sếp nhíu mày. Ðến trưa tôi tiếp tục chào hai người cùng phòng cũng bằng "Alô". Ngày đầu mọi người còn cười, sang ngày thứ hai thì không dám. Ðể tăng sức ép tôi bắt đầu trả lời phone cực kỳ lễ độ nhưng với ngữ điệu của một kẻ sắp khóc. Thông tin vẫn chuẩn nhưng được diễn tả não nuột. Ðầu dây bên kia chắc người đối thoại ngạc nhiên mồm há hốc, nghe rõ tiếng răng cụng mạnh vào ống nói. Tôi đã thành công mỹ mãn. Cuối tuần họp phòng, Mộng Hoa chính thức chuyển tôi ra ngoài đọc và soạn các công văn, thời gian rảnh theo dõi số liệu các các đơn vị đối tác. Thay vào chỗ tôi là một chị đang có con mọn. Thi thoảng, phải đi ngang qua phòng trực điện thoại, tôi thường thấy chị hướng cặp mắt căm thù về phía trưởng phòng đang cầm ống phone ba hoa. Bất chợt, chị ngoái lại tôi nhoẻn cười thông cảm.
 Cơ quan tôi trống vắng ghế "sếp nhất" được chừng hai tuần, rồi một ngày đẹp trời ông Vụ phó Vụ tổ chức đưa về một giám đốc mới. Sếp đẹp trai cao ráo, giọng trầm trầm của người miền Trung. Việc đầu tiên, Giám đốc mới cho bỏ cái khẩu hiệu "Tám giờ vàng ngọc", sếp coi đấy là một thứ phù phiếm đạo đức giả. Thay vào phòng hành chính cho treo lịch ngày. Tờ bìa có Việt Trinh mặc áo dài, tờ hai có Diễm Hương mặc áo tắm. Các quy chế hành chính được nới lỏng, Giám đốc tuyên bố chỉ chú trọng vào hiệu suất công việc. Sếp làm việc suốt ngày, tám rưỡi chín giờ khuya mới chịu rời văn phòng. Vợ và con sếp đều ở quê, nên sếp coi cơ quan là nhà. Một không khí mới thông thoáng khắp Công ty. Các cán bộ nam đều lấy sếp làm thần tượng, mọi người ăn mặc theo thời trang giám đốc. Cũng cái kiểu Vét-tông-đờ-mi, phong phanh xám nhạt. Cái kiểu tóc vuốt mái hờ một bên bồng bềnh ốp gáy. Tôi đành phải bỏ tiền mua mũ. Tóc tôi bò liếm giữa trán, từ bé chỉ để được độc kiểu bổ đầu ngôi giữa. Tôi không muốn bị đồng nghiệp coi là người xa lạ. Sếp gần gũi mọi người, Công ty tôi đông nhân viên nữ, đương nhiên sếp phải thân mật với chị em. Sếp luôn đeo kính râm nhưng cũng có lúc bỏ, mấy cô bé kế toán nhõng nhẽo chưa chồng có kể là mắt sếp ướt át nhưng đẹp. Một lần tôi lên trình sếp một văn bản vừa ban hành của Thủ tướng quy định mức thuế mới đánh vào hàng nhập. Mộng Hoa bắt tôi viết bản diễn giải những phần quy định có dính dáng đến nghiệp vụ công ty. Ðêm qua tôi thức trắng ngồi uống rượu với mấy thằng bạn của Tâm. Tôi vào toillette xối nước vào mặt liên tục mà người cứ rũ mệt. Loay hoay mãi đến giờ nghỉ trưa mới iàm xong. Tôi nhảy ba bậc cầu thang một, không gõ cửa khẽ mở phòng sếp. Giám đốc tôi đang làm một việc mà tôi nghĩ đa phần Giám đốc có sức khoẻ hay làm vào giờ nghỉ. Tôi không ngạc nhiên nhưng chuyện bình thường ấy làm tôi vẩn vơ mất gần hai tuần. Ðơn giản ở trong vòng tay sếp là tấm thân loã lồ của vợ một anh bạn cùng phòng. Cả hai vợ chồng tôi đều không thân nhưng tôi lại thân với thằng con trai khoảng hơn bốn tuổi mà bố mẹ nó vẫn hay dẫn đến cơ quan. Thằng bé thông minh dút dát, hay chuồn vào chỗ tôi ngồi trực điện thoại. Bố nó đang phấn đấu lên phó phòng, luôn được coi là người đứng đắn về tư cách và vững chắc về nghiệp vụ. Hai bố mẹ đều ne nét dạy dỗ nó. Thằng bé quý tôi vì đồng sở thích chơi bài. Ðể giết thời gian, tôi với nó liên miên chơi "tiến lên” ăn văn phòng phẩm. Có thể là thước kẻ, là bút bi, là giấy trắng học sinh in dòng. Khi thua tôi bài, nó lượn lờ khắp các phòng nhã nhặn chào mọi người lân la vào các bàn ngấm ngầm rút trộm. Cái áo Bu-dông thùng thình của thằng nhóc là cả một kho tạp hoá. Sau hôm tôi gặp mẹ nó trên phòng Giám đốc, tôi không thấy chị ta dắt thằng bé đến cơ quan nữa. Tôi thầm hứa nếu còn gặp thằng bé tôi sẽ cố dạy nó uống rượu. Lớn lên, nhở nó có gặp cay đắng chuyện gì, nó trở thành kẻ nghiện ngập còn khả dĩ hơn là đóng vai người tốt.
 Nhã hỏi: "Cậu chán cơ quan lắm à". Tôi lắc đầu.
 "Không, mình quen rồi".
 "Cậu về làm xê crát te cho mình nhé".
 "Cậu nói không bao giờ thèm tuyển mình cơ mà".
 "Bây giờ khác đấy"
 Tôi biết Nhã nói vậy là muốn giúp tôi đỡ bị luẩn quẩn trong mệt mỏi. Quá nhiều lần bạn tôi thật lo cho tôi. Tôi ăn hết bộ lòng cá và uống hết một phần ba chai rượu. Người tôi lem nhem một nỗi buồn chán. Tôi loay hoay và tôi làm phiền nhiều người. Tại sao lại thế. Tôi xoa đầu bé Phương Phương xin phép nó về qua nhà. Nhã đưa tôi ra cửa.
 "Mai cậu định làm gì".
 Ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì. Tôi vẩn vơ đi bộ trên vỉa vè ngân ngấn những vệt nước của trận mưa vừa tạnh. Ðã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi sẽ làm gì. Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại. Nghĩ như thế là mình đã già. Tôi trẻ hay già. Kafka hay ai đấy nói. "Hỡi ôi, tôi không bao giờ được trẻ. Khi tôi trẻ tôi đã già một nghìn tuổi hơn tất cả các ông già". Có những người như thế và bị thế. Hầu như những người đó đều là thiên tài. Thiên tài là những người dị thường hoặc phi thường. Còn tôi là một kẻ bình thường đang tha hoá thành tầm thường. Những đam mê và khát vọng lớn dần dần thui chột khi liên tục bị vây bởi những điều tủn mủn. Tôi yêu và được yêu. Tôi yêu và không được yêu. Ở chỗ này chắc tôi lầm lẫn. Chẳng nhẽ tình yêu lại tầm thường sao. Tôi bị "sốc", cú đột ngột lớn bành trướng làm mọi chuyện chao đảo. Tôi đang mất bình tĩnh, và muốn lấy thăng bằng ở thời điểm này tôi đừng nên đọc sách nữa. Có một dạo, kể cũng hơi dài, tôi ngồi lỳ lợm trong thư viện. Lúc đầu tôi đọc linh tinh báo và tạp chí để tạo dựng thói quen, sau đấy thì kê những xê ri sách mà tự nghĩ là cần đọc. Thật ra vô nghĩa nhất là đọc sách. Những người biết chữ mà chẳng biết làm gì thì phải đọc. Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người hăm hở đọc sách để tìm kiếm kiến thức. Họ muốn đạt một cái gì đấy hoặc danh hoặc lợi bằng cách nhồi nhét thật nhiều dữ kiện. Người họ lõng bõng uyên bác, tự tin một cách lố bịch vào mớ chữ nghĩa đã được ướp khô trong họ. Muốn có danh hay lợi thì có nhiều cách và đọc sách là cách vất vả nhất. Nghĩa là về mặt phương pháp luận chưa hẳn đã sai nhưng theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là không kinh tế. Các bậc hiền nhân đều nói đọc sách là một thói quen tốt. Các cụ chắc hẳn nói thật. Em giai tôi bảo: "Các cụ chí thì lớn, đam mê thì nhiều, khát vọng cồn cào khác người thường. Nhưng có cái chết là không có tiền, có muốn cũng không dám chơi trò gì đương nhiên phải ngồi đọc sách". Cũng kể là có lý. Tôi chịu ơn ở sách vở nhiều nên không dám nói bạc, nhưng nếu thấy tự cảm đã đủ rồi thì cũng đừng nên đọc. Kinh Thánh dạy "cứ gõ thì cửa mở" vậy quan trọng không phải đặt vấn đề là khi gõ cửa có mở không mà chính là tại sao lại phải gõ. Cũng như vậy tôi muốn hỏi Nhã hỏi Tâm là tại sao lại phải kiếm tiền thay vì kiếm có được tiền không. Goethe bảo: "Hãy giữ lấy bởi vì chứ đừng hỏi tại sao". Một câu chơi chữ thông minh. Câu hỏi "tại sao" thường ám ảnh những người đọc sách. Họ gặp vấn nạn đó ở mọi chỗ và thường vò đầu bứt tai làm khổ mình để cố tìm ra "bởi vì". Tôi yêu Thiền bởi vì tôi chưa hẳn là một Catholic. Lâm Ngữ Ðường nói: "Người Trung Quốc rất khó trở thành một người Ky tô giáo, tôi là một người Việt Nam và là láng giềng của người Trung Hoa, nơi sản sinh ra quá nhiều những câu hỏi "Tại sao" mang đậm chất tâm linh phương Ðông. Ða phần những người đọc sách đều cuồng si kiến thức. Họ hoang tưởng vào năng lực tuyệt vời của chữ nghĩa dẫn đến thảm cảnh là rơi vào "hố thẳm" của bấn loạn. Khác với triết gia tự hay hỏi mình, các vị thiền sư với lòng đại từ đại bi thường trực diện hỏi thẳng những kẻ sa cơ. Người nào có căn gặp duyên bíu vào đó hầu như đều thoát. Những kẻ phúc phận đấy kể cũng không nhiều. Thư viện Quốc Gia khá đông người si đọc. Những kẻ nghiện chữ ôm giấc mộng bách khoa ngồi đọc qua trưa nuốt bánh mỳ khô và chiêu giọng bằng nước nhân trần loãng. Họ hiền lành hay cười mủm mỉm và rất thích lân la nói chuyện làm quen. Nhiều năm trước bọn dở hơi thường là bọn say mê văn thơ, giờ đây nền kinh tế mở nó lây lan sang bọn làm Toán, làm Lý, làm Computer, làm Ngoại ngữ. Hình như có hợp đồng không thành văn là hàng năm thư viện giao cho trại tâm thần Châu Quỳ từ tám đến mười người. Kế hoạch này dễ dàng được thực hiện và luôn luôn vượt mức. Những người đọc sách nhiều trở nên lẩn thẩn là điều dễ hiểu. Tôi không phải nhà tâm lý học, tôi giải thích theo kiểu của tôi. Kiến thức giống như rượu. Có người uống được một chén, có người uống được ba chén thậm chí có người tu được hàng lít. Say hay không say tuỳ thể tạng nói khác đi là ân sủng của Chúa. Vì thế có người cũng chỉ nên đọc một cuốn hoặc ba cuốn. Quá ngưỡng là loạn, có cố cũng không thể nổi. Nát chữ hư hỏng hơn nát rượu. Cụ Trang mạt sát những kẻ sùng bái chữ. Một người mê sách và hay khuyên đọc sách như Mạnh Tử cuối cùng cũng phải nói không sách thì hơn. Khi khen một đứa bé ngoan người ta hay khen là nó chịu khó đọc. Nghe thế tạm được. Nhưng khen một thằng người lớn cũng như vậy, đa phần là hàm ý xỏ xiên. Bọn lỗ mỗ chữ nghĩa hơi dư tiền là nghĩ sắm một tủ sách. Hạ cám thượng vàng. Trinh thám kiếm hiệp đè đầu Bách gia chư tử. Xộc xệch triết học lẫn lộn với ngăn nắp văn chương. Phúc cho nhà nào coi tủ sách là đồ trang trí. Tôi tán thành ý tưởng đem sách về bầy biện để tăng phần sang trọng nội thất. Nếu không vậy các Nhà xuất bản cố cải tiến mẫu mã mầu mè vỏ bìa để làm gì.
 Tôi đi lang thang và thật sự không muốn về nhà. Người tôi lấp lửng một sự loay hoay của bẩy năm về trước. Bẩy năm trước tôi mò mẫm đi tìm công danh sự nghiệp. Giờ đây, tôi vớt vát đi tìm tình yêu. Có lẽ suốt đời tôi phải lê lết vác cây thập giá thất bại. Lạy Chúa, xin Người đừng chọn con là vậy.

Đến trang: 1 2 3 4 5 6 8 9 10 11 .
Trang truyen sex«
»Xem thêm Truyen sex Cùng thể loại
Sự bùng nổ diu dàng
Ham muốn tiềm ẩn
Bản chất của đĩ
Sự trớ trêu của số phận
Vợ ơi là vợ
Cô giáo thảo
Lần đầu lừa tình
Ảo vọng
Ngày nghỉ việc
Mảnh đời
Co hoi cua chua,Truyensex

TRANG CHỦ-Hocsinh9x.Us
U-ON1.1.548